Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và 10 tuyệt phẩm hay nhất mọi thời đại
Nội dung bài viết
- 1. Giới thiệu sơ lược về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- 2. Top 10 tuyệt phẩm hay nhất mọi thời đại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trong bài viết lần này, Xwatch sẽ cùng bạn điểm danh 10 tuyệt phẩm hay nhất mọi thời đại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!
1. Giới thiệu sơ lược về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) sinh tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao – hiện nay là phường Thống Nhất, Buôn Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk. Ông lớn lên tại Huế, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, khoa Triết học (1962-1964) tại Quy Nhơn. Sau đó ông trốn lính, vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) và làm nghề dạy học.
Sự nghiệp sáng tác ca nhạc của ông bắt đầu vào năm 1958 với tác phẩm đầu tiên là Ướt mi được xuất bản năm 1959 được thể hiện qua giọng ca Thanh Thúy. Nhờ thành công của tác phẩm này mà tên tuổi của ông dần được nhiều người biết đến. Trong những năm sau đó, sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn ngày càng thăng hoa, phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là ca sĩ Khánh Ly.
Vào năm 1970, một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản như Diễm Xưa, Ca dao Mẹ và Ngủ đi con. Trước ngày 30/04/1975, ông lên đài truyền thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn thể hiện ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam - Bắc mà ông đã viết từ năm 1968. Những năm sau 1975, Trịnh Công Sơn chuyển về làm việc tại Hội Âm nhạc TP.HCM và tạp chí Sóng nhạc và bắt đầu sáng tác lại từ những năm 1980 với những bản tình ca tiêu biểu như: Thành phố Mùa Xuân, Em ở nông trường em ra biên giới và Huyền thoại Mẹ,...
Trong số hơn 600 bài hát do ông sáng tác, bên cạnh những bản tình ca da diết, thấm đẫm tình người thì có một số tác phẩm mang tính chất phản chiến nên từ lâu đã bị cấm lưu hành trong nước. Nhưng không vì lẽ thế mà độ nổi tiếng của những bài hát tình ca bị ảnh hưởng.
Cả cuộc đời mải mê theo đuổi con đường sáng tác và biểu diễn nghệ thuật, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gặt hái được vô số giải thưởng, những mốc son đáng nhớ trong cuộc đời ông có thể kể đến như:
Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng tại Nhật Bản với bài Ngủ đi con (trong Ca khúc da vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly.
Năm 1979, hãng đĩa Nippon Columbia mời Khánh Ly thu băng lần thứ nhì các nhạc phẩm của ông và cũng vào thời gian này ca khúc Ngủ đi con trở thành 1 hit ở Nhật Bản.
Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim Tội lỗi cuối cùng.
Giải Nhất cuộc thi Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh với tác phẩm Em ở nông trường, em ra biên giới.
Giải Nhất cuộc thi "Hai mươi năm sau" với bài hát "Hai mươi mùa nắng lạ".
Năm 1997 ông đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc Sĩ cho một chuỗi bài hát: Xin trả nợ người, Sóng về đâu, Em đi bỏ lại con đường và Ta đã thấy gì hôm nay.
Đặc biệt, cái tên Trịnh Công Sơn đã có trở thành một danh từ riêng trong từ điển bách khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde (Coll. Les Millions)
Có thể nói, Trịnh Công Sơn là “cây đại thụ” của làng nhạc Việt, đi sâu vào lòng người biết bao thế hệ những bản tình ca với ca từ bất hủ, lắng đọng và hàm chứa triết lý sâu sắc về cuộc đời, về tình yêu và con người. Trong số hơn 600 bài hát mà cố nhạc sĩ sáng tác, phải kể đến 10 tuyệt phẩm sau được nhiều thế hệ yêu thích, gìn giữ cho đến tận ngày nay. Hãy cùng theo dõi!
►►► Xem thêm: Tiểu sử ca sĩ Văn Mai Hương và tổng kết sự nghiệp 13 năm ca hát
2. Top 10 tuyệt phẩm hay nhất mọi thời đại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
2.1. Cát bụi
Là tuyệt phẩm được sáng tác vào năm 1997 trong album Ru em của Trịnh Công Sơn, ca khúc Cát bụi được thể hiện qua giọng ca vàng của ca sĩ Khánh Ly. Bài hát hàm chứa triết lý sâu sắc về cuộc đời, những chiêm nghiệm của nhạc sĩ về quy luật nhân sinh tự nhiên của con người: sinh - lão - bệnh - tử trong thế giới nhỏ bé rộng lớn bao la. Con người kiếp trước như một hạt bụi vô danh, tái sinh thành kiếp người mang hình hài và số phận rồi khi lìa xa trần thế lại trở về với cát bụi khiến người nghe không khỏi rung động, day dứt khôn nguôi.
2.2. Nhớ mùa thu Hà Nội
Là một trong những khúc ca về Thủ đô hay nhất mọi thời đại của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội thuộc album Nhớ về Hà Nội được sáng tác vào năm 1985 và được thể hiện thành công nhất qua giọng hát của ca sĩ Hồng Nhung kể về những nét đẹp bình dị của mảnh đất Hà Thành nhưng hàm chứa một nỗi nhớ khắc khoải của một người con miền Nam đến Hà Nội, tình đất và tình người vừa mới chớm nở đã vội phải chia xa.
►►► Xem thêm: Top 6 quán karaoke gần đây sang trọng và lịch sự nhất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
2.3. Diễm xưa
Diễm xưa là một bản tình ca đầy đau thương kể về mối tình đầu của Trịnh Công Sơn và mối tình đầu của mình khi tuổi đã xế chiều. Ca khúc được phát hành vào năm 1960 trong tuyển tập Băng nhạc Sơn Ca qua giọng hát trữ tình, dạt dào cảm xúc của ca sĩ Khánh Ly đã vẽ lên một mối tình đầy buồn bã về hình ảnh một chàng trai ngóng trông hình bóng của một cô gái nhưng cô gái chẳng hề hay biết khiến chàng trai cứ mãi nặng lòng. Được biết “em” trong Diễm xưa hoàn toàn có thật, đó là Ngô Vũ Bích Diễm - cô gái gốc Hà Nội vào Huế sinh sống cùng gia đình.
2.4. Biển nhớ
Nằm trong top 10 tuyệt phẩm để đời của cố nhạc sĩ, ca khúc Biển nhớ tiếp nối sự thành công của 2 tuyệt phẩm Hạ Trắng và Diễm xưa được phát hành vào năm 1962 qua giọng ca của Khánh Ly. Ca khúc nằm trong album Vafa 2: Hòa tấu guitar với nguồn cảm hứng sáng tác được lấy từ chính câu chuyện thật của cố nhạc sĩ, đúc kết sau nhiều đêm ông ngồi trên bãi biển Quy Nhơn nhớ về người người con gái Tôn Nữ Bích Khuê.
►►► Xem thêm: Khám phá tiểu sử cầu thủ Nguyễn Công Phượng - Messi của Việt Nam
2.5. Hạ trắng
Được phát hành vào năm 1961 trong album Ru ta ngậm ngùi - Latin Jazz, Hạ trắng là tuyệt phẩm được sáng tác tại thời điểm lúc ông còn đang theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn - khi chỉ là một nhạc sĩ vô danh. Bài hát được thể hiện thành công qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly với lời ca chan chứa tâm tư của một chàng nhạc sĩ chỉ đơn thuần “hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.
2.6. Nối vòng tay lớn
Ca khúc thu lần đầu bởi ca sĩ Khánh Ly trong băng Hát cho quê hương Việt Nam 1 (1969). Sau đó được nhạc sĩ thể hiện lại đài truyền thanh Sài Gòn vào trước ngày 30/04/1975. Bài hát với giai điệu hùng tráng, nhịp điệu rộn ràng tươi vui, đầy khí thể thể hiện niềm tự hào khôn xiết về non sông Việt Nam tươi đẹp của tác giả. Sau khi được biết đến, Nối vòng tay lớn nhanh chóng trở thành phong trào, được học sinh sinh viên sử dụng rất nhiều trong các hoạt động, hội diễn.
2.7. Một cõi đi về
Với ca từ sâu lắng, nhạc điệu da diết, bài hát Một cõi đi về qua tiếng hát của Khánh Ly đã truyền tải trọn vẹn triết lý nhân sinh sâu sắc, phản ánh một phần thế giới tâm linh của Trịnh Công Sơn. Được phát hành vào năm 1975, tuyệt phẩm nhanh chóng được công chúng đón nhận nồng nhiệt và đi sâu vào trái tim của nhiều người nghe nhạc qua nhiều thế hệ.
2.8. Còn tuổi nào cho em
Thuộc thể loại nhạc trữ tình được phát hành vào năm 1967, qua tiếng hát của ca sĩ Miu Lê, bài hát Còn tuổi nào cho em đã thể hiện trọn vẹn tâm tư tình cảm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi trao đến người tình Dao Ánh - mối tình sâu nặng và dai dẳng nhất trong cuộc đời của một chàng nhạc sĩ đa tình.
2.9. Có một dòng sông đã qua đời
Thuộc album Bên đời hiu quạnh, phát hành vào năm 1992, Có một dòng sông đã qua đời là một bản tình ca dạt dào cảm xúc của người nghệ sĩ về những xúc cảm đôi lứa chia xa do ca sĩ Khánh Ly thể hiện. Trịnh Công Sơn từng chia sẻ, bài hát được lấy cảm hứng từ một lần ở Đà Lạt, khi đi qua cây cầu bắc ngang Hồ Xuân Hương, ông gặp lại người tình cũ đi với người yêu. Lúc ấy, ông nhìn xuống dòng sông chảy xiết và nhận ra mình đã mất tất cả, mất cả dòng sông và người mình yêu thương. “Nàng” đã đi qua dòng sông và người nhạc sĩ mất đi nàng nên ông thấy dòng sông mình từng “yêu” đã không còn ý nghĩa nữa.
2.10. Em hãy ngủ đi
Em hãy ngủ đi là một trong những bài hát ru nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang ý nghĩa là một bài hát ru xoa dịu nỗi niềm trong mỗi người, giúp họ thanh lọc tâm hồn, làm cho mình “sạch” hơn, gột bỏ mọi oán hờn về với sự bình yên, thanh thản. Bài hát được thể hiện trọn vẹn qua giọng ca đầy cảm xúc của ca sĩ Khánh Ly và được phát hành vào năm 1970 trong album Ru em từng ngón xuân nồng.
Hơn 20 năm ngày cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giã từ trần thế, nhưng những bản tình ca của ông như vẫn còn sống mãi trong lòng người nghe nhiều thế hệ. Nghe nhạc Trịnh giống như việc thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật bằng tranh vẽ. Ở đó, mỗi người khi thưởng thức cũng sẽ có một suy nghĩ, cảm nhận riêng, khi thì day dứt, đồng cảm, khi thì vui tươi, hào hứng - một trải nghiệm hiếm có khi nghe nhạc mà không phải người nhạc sĩ nào cũng truyền tải được! Hy vọng qua những gì mà đồng hồ Xwatch đã chia sẻ hữu ích đến bạn!
Tham khảo thêm các bài viết sau: