Ngược dòng thời gian khám phá lịch sử của các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng!

Nội dung bài viết
- I/ Lịch sử ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ - Thụy Sĩ & Hành Trình Trở Thành Bá Chủ Đồng Hồ Thế Giới!
- II/ Tổng hợp thông tin hữu ích về lịch sử các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng khác
Hãy cùng chúng tôi ngược dòng thời gian khám phá lịch sử của những cái nôi sản sinh ra nền công nghiệp đồng hồ cũng như lịch sử của các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng!
I/ Lịch sử ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ - Thụy Sĩ & Hành Trình Trở Thành Bá Chủ Đồng Hồ Thế Giới!
Tại sân bay Zurich đặt một tấm biển quảng cáo với nội dung: “Mua đồng hồ Thụy Sĩ không bao giờ là sai lầm”.
Ai cũng biết những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ DANH GIÁ tới mức nào. Từ kỹ thuật chế tác đến sản phẩm và chất lượng dịch vụ đều đạt tới sự hoàn hảo khó có thể tưởng tượng. Thế nhưng, để có được điều đó, ngành công nghiệp Thụy Sĩ đã phải trải qua vô vàn sóng gió…
1/ Phần 1: Geneva Khởi Nghiệp
Những chiếc đồng hồ đủ-nhỏ-để-đem-theo (chúng được gọi là watch thay vì clock) không ra đời ở Thụy Sĩ. Đó là sáng kiến của người Đức. Chiếc đồng hồ đầu tiên như thế được chế tác bởi nghệ nhân Peter Henlein ở Nuremberg. Tuy nhiên, cuộc cách mạng tôn giáo nổ ra ở châu Âu do Martin Luther lãnh đạo đã sớm đem tinh hoa đó tới Thụy Sĩ.
Những người Pháp theo tôn giáo mới (Đạo Tin Lành) không thể chịu đựng sự đàn áp của Giáo hội Thiên Chúa Giáo đã quyết định di cư tới Thụy Sĩ, một đất nước tự do về tôn giáo. Họ đem theo kỹ thuật chế tác đồng hồ tinh tế tới Geneva và biến nơi đây trở thành cái nôi đầu tiên của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.
Cùng lúc đó, làn sóng đạo Tin lành lan đến Geneva. Theo quy định của Giáo hội Tin lành tại Geneva, việc đeo trang sức bị cấm. Vì thế, những người thợ kim hoàn lão luyện bỗng trở nên thất nghiệp.
Nhưng họ nhanh chóng nhận ra đồng hồ sắp trở thành một món đồ thời thượng thay thế trang sức. Vì thế những thợ kim hoàn này đã hợp tác với những người tị nạn Pháp để cho ra đời những chiếc đồng hồ với chất lượng vượt trội. Geneva trở nên nổi tiếng với những chiếc đồng hồ chất lượng cao, đẹp và vô cùng tinh tế.
Tuy nhiên, trong suốt 2 thế kỷ sau đó, ngành đồng hồ Thụy Sĩ vẫn rất đìu hiu bởi số người làm đồng hồ không nhiều và năng suất thủ công thấp.
Đặc biệt, thế kỷ 18, cách mạng công nghiệp công nghiệp bùng nổ tại Anh. Sáng tạo dây tóc của Robert Hooke và những đổi mới về máy cơ đồng hồ của James Cox, John Harrison, George Graham thúc đẩy Anh trở thành cường quốc đồng hồ thế giới. Ngành đồng hồ Anh được cơ khí hóa với năng suất tăng lên nhiều lần và độ đồng đều, chính xác cao hơn.
Trong khí đó, ngành đồng hồ Thụy sĩ vẫn đang đi con đường thủ công cũ và đứng trước nguy cơ lụi tàn khi không thể cạnh tranh với sản lượng rất lớn từ Anh.
Người Thụy Sĩ trăn trở: Phải làm gì để thoát khỏi nghịch cảnh đó?
2/ Phần 2: Quốc gia khởi nghiệp
Trong khi người Anh đang say sưa với ngôi vương trong ngành đồng hồ thế giới thì tại Thụy Sĩ đã diễn ra những chuyển biến lịch sử dữ dội.
Khởi nguồn từ Geneva, ngành chế tác đồng hồ lan dần sang các vùng đất dưới chân dãy Jura xinh đẹp và nhiều địa điểm khác của Thụy Sĩ. Hệ thống sản xuất mới do Daniel Jeanrichard đề xướng mang tên Établissage được áp dụng rộng rãi đã giúp cho sản lượng đồng hồ Thụy Sĩ tăng vọt.
Cụ thể, mỗi chi tiết đồng hồ sẽ do một số hộ gia đình sản xuất và họ mang chúng đến Comptoir (văn phòng thương mại) để lắp ráp. Nhờ đó, thời gian sản xuất đồng hồ được rút ngắn và chất lượng đồng hồ đồng đều hơn. Đến năm 1790, Thụy Sĩ đã xuất khẩu trên 60,000 CHIẾC đồng hồ.
Cùng trong quãng thời gian đó, kỹ thuật chế tác đồng hồ Thụy Sĩ cũng đạt được những bước tiến lớn. Năm 1770, Abraham-Louis Perrelet chế tạo ra chiếc đồng hồ không-bao-giờ-ngừng-lại, tiền thân của những chiếc đồng hồ TỰ LÊN DÂY CÓT hiện đại.
Adrien Philippe, một trong những nhà sáng lập của thương hiệu đồng hồ danh giá Patek Philippe, nghĩ ra đồng hồ đeo cổ LÊN CÓT TAY. Đặc biệt, năm 1795, Abraham-Louis Breguet đặt nền móng cho những chiếc đồng hồ chính xác nhất thế giới với cơ chế Tourbillon chống lại sự ảnh hưởng của lực hấp dẫn. Những sáng tạo này đã nâng tầm đồng hồ Thụy Sĩ lên một đẳng cấp mới.
Nửa đầu thế kỷ 19, cả thế giới phải choáng ngợp với sự phát triển nhanh chóng của đồng hồ Thụy Sĩ. Nếu như năm 1800, cả Anh và Thụy Sĩ đều sản xuất được 200.000 chiếc đồng hồ mỗi năm thì 50 năm sau đó, sản lượng đồng hồ của Thụy Sĩ tăng lên 11 LẦN (2.200.000 CHIẾC), trong khi Anh không duy trì nổi con số cũ. Bị áp đảo hoàn toàn về mặt sản lượng, ngành công nghiệp đồng hồ Anh lụi tàn dần.
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất ồ ạt đã khiến cho Thụy Sĩ không giữ được tôn chỉ CHẤT LƯỢNG như ban đầu. Chất lượng đồng hồ Thụy Sĩ xuống thấp đến mức người ta gọi nó là hàng “fake” của đồng hồ Anh và đồng hồ Pháp. Những vị khách hàng khó tính mất dần lòng tin… Bên kia bờ đại dương, tại một thị trường rất tiềm năng là MỸ, những nghiệp chủ giàu có đã xem đồng hồ Thụy Sĩ là “đồ bỏ đi” (junk).
Một lần nữa, ngành đồng hồ Thụy Sĩ đứng trước những KHÓ KHĂN không dễ vượt qua…
3/ Phần 3: Công nghệ mới + Truyền thống cũ = Thành công
Người Mỹ gọi những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ kém chất lượng là “JUNK” vì những lý lẽ riêng của họ. Nửa sau thế kỷ 19, nước Mỹ trở thành biểu tượng mới của thế giới về công nghệ. Với những dây chuyền khép kín hiện đại của mình, họ có thể sản xuất đồng hồ với số lượng rất lớn và chất lượng đồng đều.
Tuy nhiên, ngành đồng hồ Mỹ lại thiếu đi lịch sử dày dặn và các kỹ thuật chế tác điêu luyện truyền thống so với Thụy Sĩ. Vì vậy, họ tìm cách kết hợp điểm mạnh của hai nền công nghiệp đồng hồ cũ và mới này.
Năm 1868, Florentine A. Jones tới Thụy Sĩ và thành lập Công ty đồng hồ quốc tế (International Watch Company - IWC). Thành công của IWC về cả mặt doanh số và chất lượng sản phẩm đã thúc đẩy người Thụy Sĩ buộc phải CẢI CÁCH nếu muốn tồn tại.
Hệ thống établissage dần bị xóa bỏ. Các nhà máy sản xuất đồng hồ mang thương hiệu Thụy Sĩ được thành lập, đi tiên phong là LONGINES trên vùng đất Saint Imier xinh đẹp. Trong vòng 45 năm, họ đã thuê tới hơn 1.100 công nhân.
Cùng với đó là những đổi mới về công nghệ, đi tiên phong là Pierre-Frédéric Ingold và Georges-Auguste Léschot. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chiếc máy có thể sản xuất ra nhiều phần khác nhau của đồng hồ ra đời do Léschot chế tạo.
Còn Ingold, ông phát minh ra một kiểu bộ thoát mới và “dao phay Ingold” (Ingold fraise) nhằm tăng độ chính xác cho hoạt động của các bánh răng.
Những đổi mới này đã hoàn thiện hệ thống sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ trên cả phương diện số lượng lẫn chất lượng. Họ bước vào thế kỷ XX ở vị thế đế vương ngành đồng hồ của thế giới.
Tuy nhiên, đến tận giai đoạn này, đồng hồ được sản xuất ra vẫn là những chiếc đồng hồ bỏ túi hoặc đeo cổ. Vậy điều gì đã thúc đẩy đồng hồ đeo tay ra đời?
4/ Phần 4: Chiến tranh và sự thịnh hành của đồng hồ đeo tay
Đến cuối thế kỷ 19, người ta vẫn mặc định rằng những chiếc đồng hồ đeo tay mảnh dẻ là món đồ của phụ nữ. Đàn ông mạnh mẽ phải đi với những chiếc đồng hồ bỏ túi hoặc treo trang trọng trên áo. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, vận mệnh đồng hồ đeo tay bắt đầu thay đổi.
Sự cách tân về trang phục với những bộ quần áo đơn giản đòi hỏi phụ kiện đi kèm cũng phải thanh thoát hơn. Trong khi đó, đồng hồ bỏ túi lại to và cồng kềnh. Nắm bắt xu hướng đó, Hans Wilsdorf và em rể Alfred Davis đã đặt mua một số lượng lớn đồng hồ đeo tay từ một công ty đồng hồ Thụy Sĩ và bán tại Anh. Vụ kinh doanh này thành công ngoài mong đợi. Ông quyết định thành lập nhà máy sản xuất đồng hồ đeo tay của riêng mình tại La Chaux-de-Fonds (Thụy Sĩ) năm 1907 với tên gọi Lusitania. Một năm sau, nó được đổi tên thành “Rolex”.
Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Những người lính sẽ xem giờ bằng cách nào khi tay họ đang giữ súng? Đồng hồ đeo tay chính là giải pháp tốt nhất. Khi chiến tranh kết thúc, phong cách lính ảnh hưởng sâu sắc đến thị hiếu xã hội. Đồng hồ bỏ túi bị lãng quên.
Đến năm 1930, tỉ lệ đồng hồ đeo tay so với đồng hồ bỏ túi là 50/1, chủ yếu do thương hiệu đồng hồ Omega và Rolex sản xuất.
Đến Thế chiến thứ hai, đối thủ lớn nhất của đồng hồ Thụy Sĩ - các công ty đồng hồ Mỹ - bị chính phủ Mỹ trưng dụng cho các mục đích quân sự. Vì vậy hầu hết thị trường đồng hồ đeo tay thế giới thuộc về Thụy Sĩ. Ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc, họ vẫn duy trì địa vị độc tôn tưởng như không gì lay chuyển nổi.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Những năm 1980s, phương Đông trỗi dậy với sản phẩm đồng hồ Quartz siêu rẻ. Một lần nữa, ngành đồng hồ Thụy Sĩ đứng trước nguy cơ sụp đổ…
5/ Phần 5: Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục
Từ những năm 1970s, đồng hồ Quartz Nhật Bản và Mỹ siêu rẻ và thiết kế đẹp trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của đồng hồ cơ Thụy Sĩ.
Trong vòng 10 năm (1973 - 1983), số lượng đồng hồ cơ Thụy Sĩ xuất khẩu giảm từ 40 triệu xuống còn 3 triệu. 1000 nhà máy phải đóng cửa. Từ năm 1970 - 1988, 2/3 số công nhân trong ngành đồng hồ Thụy Sĩ mất việc (90.000 người giảm xuống còn 28.000 người).
Nếu tình trạng tiếp diễn như vậy, nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ sẽ diệt vong. Nhưng Thượng đế đã đem đến cho họ một vị Chúa cứu thế. Ông là NICOLAS HAYEK.
Năm 1983, Hayek thành lập Swatch Group trên cơ sở sát nhập hai tập đoàn đồng hồ lớn của Thụy Sĩ là ASUAG và SSIH.
Swatch Group đã cho ra đời dòng đồng hồ Quartz Thụy Sỹ siêu rẻ, đối trọng trực tiếp với đồng hồ Quartz của các thương hiệu đồng hồ Nhật Bản. Trong vòng 2 năm, 2,5 triệu chiếc đồng hồ Swatch đã được bán ra, dần dần lấy lại thị phần cho đồng hồ Thụy Sĩ.
Một số công ty đồng hồ Thụy Sĩ như Rolex và Patek Philippe lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Họ tập trung vào sản xuất những chiếc đồng hồ xa xỉ với giá vô cùng đắt đỏ để thâu tóm phân khúc đồng hồ cao cấp. Một số công ty khác như FC lại hướng tới những chiếc đồng hồ chất lượng tốt với giá cả phải chăng…
Tầm nhìn sắc sảo của Hayek cũng như sự linh hoạt của các công ty đồng hồ Thụy Sĩ đã khôi phục lại địa vị và danh tiếng cho đế chế đồng hồ này. Đến năm 2014, đồng hồ Thụy Sỹ chiếm 54% giá trị thị trường đồng hồ toàn cầu.
Từ những kinh nghiệm trong lịch sử đầy thăng trầm, các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ dường như bình thản hơn trong cuộc đua mới với Smartwatch. Sự kết hợp giữa chất cổ điển và hiện đại, kỹ thuật truyền thống và đổi mới công nghệ chắc chắn sẽ đem đến cho giới mộ điệu những tuyệt tác khó cưỡng.
Lịch sử của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ thật đáng ngưỡng mộ! Trong phần tiếp theo hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài kiến thức hữu ích về các thương hiệu đồng hồ cụ thể nhé!
>> Xem thêm: Top 10 thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng tại Việt Nam
II/ Tổng hợp thông tin hữu ích về lịch sử các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng khác
1/ Khám phá lịch sử đồng hồ Hamilton
2/ Những kiến thức cơ bản về thương hiệu đồng hồ Fossil
3/ Lịch sử thương hiệu đồng hồ iwc
4/ Đồng hồ Italy và những bí ẩn thú vị
5/ Lịch sử các thương hiệu đồng hồ Thụy Điển
6/ Giải mã bí ẩn đằng sau các các hãng đồng hồ Trung Quốc
7/ Chỉ mặt đặt tên các thương hiệu đồng hồ của Việt Nam
8/ Thương hiệu đồng hồ Stuhrling của nước nào, có chất lượng không?
9/ Đồng hồ Anne Klein của nước nào?
Với những kiến thức hữu ích mà chúng tôi cung cấp, chắc hẳn bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về ngành công nghiệp đồng hồ thế giới với những biến động thăng trầm. Hãy comment thương hiệu đồng hồ mà bạn yêu thích nhất dưới đây nhé!





